Xem chi tiết tin
Bộ Giáo dục chưa chốt bỏ điểm sàn Cập nhật lúc 11:11:53 02/01/2017
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo nên Bộ Giáo dục đang nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án đề xuất.

Sáng 27/12, báo cáo tại Ban Tuyên giáo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học; cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên cơ bản nhận được sự đồng thuận. Chỉ có một số băn khoăn về việc Bộ không quy định điểm sàn có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Theo Thứ trưởng Ga, từ khi đổi mới tuyển sinh (năm 2015), nhiều chuyên gia và trường đại học đã đề nghị Bộ không nên quy định điểm sàn vì không còn nhiều ý nghĩa như khi tổ chức thi “3 chung”. Việc quy định điểm sàn không phát huy được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trong việc xác định điểm sàn phù hợp với điều kiện và yêu cầu của từng ngành đào tạo.

Vì thế năm nay Bộ dự kiến chỉ quy định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp THPT, còn trường đại học quy định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Nghĩa là thay vì Bộ quy định một ngưỡng sàn chung thì giao cho các trường quy định ngưỡng này tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo, uy tín, chiến lược phát triển của trường. Việc này được thực hiện tương tự đối với các trường cao đẳng năm 2016.

Theo ông Ga, khi đưa quy định này vào dự thảo, Bộ dự đoán được băn khoăn của dư luận rằng khi bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có đảm bảo, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín. Thực tế vẫn còn có trường chạy theo số lượng, thiếu sự sàng lọc trong quá trình đào tạo dẫn đến chất lượng đầu ra giảm sút nếu chất lượng đầu vào không được kiểm soát kỹ.

bo-giao-duc-chua-chot-bo-diem-san

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo nhất quán phương châm lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu cho mọi hoạt động. Điểm sàn là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo nên Bộ vẫn đang nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện tự chủ. 

Bộ Giáo dục sẽ trao đổi thống nhất với các trường tại cuộc họp hiệu trưởng trường đại học sắp tới để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp.

Tháng 1/2017 công bố đề thử nghiệm

Về dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Ga cho biết đến nay hầu hết nhận được sự đồng thuận, chỉ có một số ít băn khoăn về ngân hàng câu hỏi thi và sự đồng đều về mức độ khó dễ của đề thi. 

Ông Ga giải thích, ma trận đề thi THPT quốc gia năm 2017 đã được xây dựng theo hướng tiếp tục đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi đảm bảo phân hoá để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng xét tuyển đại học, cao đẳng.

Ngày 6/10/2016, Bộ đã công bố 14 đề thi minh họa các môn thi năm 2017. Theo kế hoạch, Bộ sẽ công bố 14 đề thi thử nghiệm của các môn thi năm 2017 vào cuối tháng 1/2017 để thí sinh và nhà trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập.

Bộ đang xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội). Bộ đề thi theo bài thi này sẽ công bố ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5/2016), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh tập dượt, làm quen với định dạng đề thi và phương thức thi theo bài.

Về ngân hàng câu trắc nghiệm, Thứ trưởng Ga cho biết, Bộ đã chuẩn hóa ngân hàng câu trắc nghiệm đã có tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục bằng nhiều nguồn, như huy động giáo viên tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi, khai thác câu hỏi phù hợp trong ngân hàng của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bộ đã tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô trên toàn quốc; huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, giảng viên đại học có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm về thi, kiểm tra, đánh giá tham gia. Kết quả đã biên soạn được hơn 60.000 câu hỏi thô, cơ bản đáp ứng đúng quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa của lý thuyết khảo thí hiện đại. Số câu hỏi thô đã chuẩn bị hiện đạt gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

"Quy chế mới không lo ảo"

Trước lo ngại về tỷ lệ ảo quá nhiều khi thí sinh được đăng ký thoải mái nguyện vọng, Thứ trưởng Ga khẳng định việc này nhằm tạo điều kiện tối đa cho các em được trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở các trường có mức độ cạnh tranh khác nhau. Dù đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và trong đợt xét tuyển chính (đợt 1) chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách đã đăng ký. 

"Điều này được thực hiện nhờ phần mềm thống kê nguyện vọng xét tuyển của thí sinh chạy tự động trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ. Do mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng nên hạn chế được tối đa tình trạng ảo trong đợt xét tuyển chính", ông Ga nhấn mạnh.

Xuân Hoa

http://vnexpress.net/

Các tin liên quan
 Tuyển sinh năm 2019 Khoa TMĐT
 Khóa học về Phân tích dữ liệu
 Phân tích dữ liệu online
 Trung tâm Anh Ngữ DLA
 Trung tâm đào tạo Quốc tế, ĐHKT
 Khoa Marketing, Đại học Kinh tế
 Khoa Ngân hàng
 Khoa Tài Chính, ĐHKT
 Trung tâm đào tạo Quốc tế
 TT Đào tạo ngắn hạn&Bồi dưỡng NV
 Tư vấn du học Vietlink Education
©2013-2023 tuvantuyensinhtructuyen.vn
Số lượt truy cập
100,930,723