Xem chi tiết tin
Trần Phú – cậu học sinh mù, con gia đình ngư dân, bao năm “nhìn và đọc” cuộc đời bằng “cảm xúc” - được đặc cách vào Đại học Đà Nẵng Cập nhật lúc 17:53:44 04/07/2014
Trần Phú – cậu học sinh mù, con gia đình ngư dân, bao năm “nhìn và đọc” cuộc đời bằng “cảm xúc” - được đặc cách vào Đại học Đà Nẵng

PGS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng, kỳ thi tháng 7/2014 – khẳng định với các cơ quan truyền thông: "Trường hợp thí sinh Trần Phú hoàn toàn xứng đáng được hưởng quy chế đặc cách, xét trúng tuyển thẳng vào ngành/trường mà em đã đăng ký dự thi. Thứ nhất, đây là HS có sức học và học giỏi. Em đã được giải cấp TP và cả cấp quốc gia. Thứ hai, em là con một gia đình ngư dân – một lực lượng vừa tham gia sản xuất trên biển, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải, là đối tượng đang được Nhà nước và xã hội chúng ta đặc biệt quan tâm. Và thứ ba, đây là tấm gương điển hình về nghị lực vượt khó. Với sức học và với ý chí, em Phú có đủ khả năng để đi hết chặng đường học tập ở giảng đường. Ngay sáng hôm nay, Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng sẽ có phiên họp và tiến hành xét đặc cách ngay cho em Phú".

Bạn Trần Phú trong khuôn viên Văn phòng Hiệu bộ Đại học Đà Nẵng sáng nay (03/7/2014). Bên cạnh Phú là người ông gần gũi, thân thương đã chăm sóc Phú mấy hôm nay: bác Nguyễn Văn Tâm, pháp danh Nguyên Hải. -Ảnh: T.Ngọc.

Trong vòng vây của các cơ quan Báo-Đài, với nhiều câu hỏi được các anh chị phóng viên đưa ra, Phú hết sức điềm tĩnh nghe và trả lời rành mạch từng câu.

Phú sinh ra trong một gia đình có truyền thống đi biển ở làng duyên hải Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Ba của Phú, ông Trần Thực (năm nay 68 tuổi) , mẹ của Phú, bà Đỗ Thị Kiển (năm nay 65 tuổi), đều đã gắn cuộc đời mình với vùng ngư trường Bình Định-Phú Yên từ năm lên 8, lên 10. Phú cũng ra theo ghe thuyền ra biển sớm.

Năm đó em tròn 10 tuổi, lần đầu tiên được ba mẹ cho đi theo thuyền ra khơi. Nhưng đó cũng là lần duy nhất trong đời, em tận mắt thấy đại dương, cảm nhận lao động của nghề xa khơi – Phú nhớ lại - . Sau chuyến đi đó, đôi mắt Phú “ban đầu em nhìn mờ mờ, rồi như có vật gì cứ che đậy con ngươi. Dần dần em không thấy gì hết và cũng năm 10 tuổi, em bị mù hoàn toàn 2 mắt”.

Phú được vào học tập và sinh hoạt ở Trung tâm Niềm Vui (một cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị ở Phú Yên) cho đến năm lớp 5, em được Trung tâm giới thiệu ra học tập và lưu trú tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Đà Nẵng. Và Đà Nẵng cũng trở thành quê hương thứ hai của Phú suốt bao năm qua.

Học giỏi đều các môn, nhưng môn Văn là môn Phú có sở trường nhất. Phú cho hay, khi đôi mắt không còn nhìn được, người mù chuyển sang cảm nhận, “nhìn” cuộc đời bằng cảm xúc, bằng nội tâm. Và Phú đã nhìn cuộc đời bằng 2 con mắt đặc biệt : Nội tâm và lăng kính văn học.

Phú rất thích nhà văn Nam Cao, bởi nhiều tác phẩm của ông luôn “nghiêng” về số phận của những người nông dân bị bần cùng hóa, lưu manh hóa và bi kịch của người tri thức tiểu tư sản trong xã hội thực dân phong kiến.

Trò chuyện với ictdanang, Phú đọc chậm một nhận xét về nhà văn này mà Phú nhớ mãi để rồi yêu các tác phẩm của ông (Nam Cao): “ông đã đau, đã hiểu, đã day dứt biết bao nhiêu trước những cảnh đời đau đớn không lối thoát ; sống trong một xã hội mà công lý bị đạp nát, con người không được sống đầy đủ theo đúng nghĩa là con người”.

Trần Phú – cậu học sinh mù, con một gia đình ngư dân, bao năm “nhìn và đọc” cuộc đời bằng “cảm xúc”- được đặc cách vào ĐH Đà Nẵng.

Lúc học tập theo phương pháp đặc thù ở trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu hay học hòa nhập ở trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Phú đều mượn các tác phẩm chữ nổi của Nam Cao như Làng Vũ Đại ngày ấy, Lão Hạc, Đời thừa hay Những người khốn khổ (Văn học Pháp); các tác phẩm của cố nhà văn-nhà báo Vũ Trọng Phụng và đọc rất say sưa.

Em có hoàn cảnh riêng rất đáng buồn do vậy dễ đồng cảm sâu sắc với thân phận những con người cũng có hoàn cảnh, có nỗi khổ và phải chịu đựng những bi kịch trong cuộc đời… Phú chia sẻ.

Thầy Trần Văn Nam cũng trở thành nhân vật được báo giới "chăm sóc rất kỹ" trong buổi sáng ngày 3/7/2014.

Trong ảnh: Thầy Trần Văn Nam chia sẻ thông tin với các cơ quan truyền thông về 2 trường hợp đặc cách đầu tiên trong đơt 1, kỳ thi tuyển sinh vào ĐHCĐ tại ĐH Đà Nẵng. -Ảnh: T.Ngọc.

Đam mê môn Văn, được các cô giáo yêu nghề - hết lòng thương yêu trò như cô Bùi Thị Diệp Anh (Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu - Đà Nẵng); cô Lê Thị Sơn Trà (trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) tận tụy dìu dắt, Phú lần lượt thi HS Giỏi Văn và giành giải cao kỳ thi HS Giỏi toàn Quận Liên Chiểu năm học lớp 8; giải Nhất cấp TP năm lớp 9, giải Nhì cấp TP năm lớp 10; giải Nhất cấp TP năm lớp 11 và giải Nhì cấp TP năm lớp 12. Ngoài ra, năm học lớp 9. Phú cũng đã tham dự và giành giải Nhất cấp TP trong một cuộc thi viết thư UPU dành cho Người khuyết tật. Bài thi được chọn gửi ra dự thi toàn quốc và thêm một lần nữa, trong danh sách các tác giả được vinh danh, có cái tên: em Trần Phú – HS trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu - Đà Nẵng.

Mùa thi 2014, Phú đăng ký dự thi khối C, vào ngành Tâm Lý học, trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng. Phú đã tìm đến Ban điều hành hoạt động Tiếp sức Mùa thi của Quận Hội Phật giáo Hải Châu - Đà Nẵng (đóng ở chùa Pháp Lâm) và bác Nguyễn Văn Tâm, pháp danh Nguyên Hải đã trở thành người ông gần gũi, thân thương của Phú từ hôm 29/6/2014 đến nay.

“Thấy hoàn cảnh cháu quá đáng thương, chúng tôi tiếp nhận và giúp đỡ. Ngoài việc giúp cháu trong sinh hoạt, chúng tôi cũng thăm khám, bắt mạch bốc thuốc, nấu thuốc cho cháu uống. Thật vui là hôm nay, chúng tôi nghe tin cháu được xét đặc cách và chắc chắn được đặc cách. Mấy hôm trước, chúng tôi rất lo, thấy cháu bị đau khớp, sức khỏe không được tốt lắm. Sợ cháu không đủ sức để thi” - bác Nguyễn Văn Tâm, một Phật tử đã 4 năm liền gắn bó với hoạt động Tiếp sức Mùa thi của Gia đình Phật tử, của Quận Hội cho biết.

Thí sinh Trần Phú là trường hợp thứ hai được Hội đồng tuyển sinh vào ĐH Đà Nẵng, kỳ thi tháng 7/2014, đưa vào diện xét đặc cách. Thầy Trần Văn Nam cho hay, hôm qua, đã xét cho trường hợp đầu tiên là TS Hồ Thị Mỹ Vân – một nạn nhân chất độc Da Cam/DIOXIN.

Trần Ngọc ictdanang

http://ud.udn.vn

Các tin liên quan
 Tuyển sinh năm 2019 Khoa TMĐT
 Khóa học về Phân tích dữ liệu
 Phân tích dữ liệu online
 Trung tâm Anh Ngữ DLA
 Trung tâm đào tạo Quốc tế, ĐHKT
 Khoa Marketing, Đại học Kinh tế
 Khoa Ngân hàng
 Khoa Tài Chính, ĐHKT
 Trung tâm đào tạo Quốc tế
 TT Đào tạo ngắn hạn&Bồi dưỡng NV
 Tư vấn du học Vietlink Education
©2013-2023 tuvantuyensinhtructuyen.vn
Số lượt truy cập
100,930,271